“Cái nồi này mới nè, mua về xài thử đi, rồi đưa cái nồi cũ về cho ‘ổng bả’ xài”
Lời cô vợ nói với anh chồng có vẻ như ‘ổng bả’ trong câu chuyện chính là ba mẹ nơi quên nhà của họ. Đôi vợ chồng ấy, trông vẻ bề ngoài, từ trang phục, đồ dùng cá nhân, cho đến cách chọn những vật dụng mà họ chuẩn bị mua, có lẽ mức sống của họ không đến nỗi nào ở cái Sài Gòn hoa lệ này, Vậy mà, “đưa cái nồi cũ về cho ‘ổng bả’ “xài”, từng con chữ, nghe to lắm, vang lắm.
Thỉnh thoảng, ta vẫn bắt gặp ở đâu đó những gia đình khi dọn nhà, người ta nói với nhau, đại loại “cái này cũ rồi, gửi về quê cho dưới đó xài”. Chúng ta, ai cũng có quê hương, trưởng thành từ đó rồi mới ra đi. Ở nơi đó có những bậc cha mẹ lam lũ cả đời, từng ngày nhọc nhằn mong cầu vun đắp cho con cái những gì tốt đẹp nhất. Rồi khi ta lớn lên, ta rời xa, chạy đi kiếm một cuộc sống ấm no hơn, một tương lai tươi sáng hơn, bỏ lại sự vò võ đợi mong của đấng sinh thành nơi quê hương vốn là “chùm khế ngọt”.
Để rồi khi điều kiện kình tế ở thị thành đã ổn định, quà gửi về quê lại là những thứ không phải tốt nhất: cái nồi cơm điện đã cũ, cái bàn đã xiêu vẹo, bộ quần áo đã lỗi thời, thậm chí là những món đồ đã hư hỏng, người nhà quê liệu xem có tận dụng xài được chổ nào trong đó thì xài. Tất tần tật những thứ xem chừng không còn giá trị sử dụng với nhà mình thì cứ gửi hết về quê, có khi còn theo một kiểu cách hết sức…vang dội, kiểu như “là đồ Sài Gòn gửi về đó!”.
Còn người nhà quê là ai? Đó là ba mẹ, anh chị em, nếu không dùng hoặc dùng không hết quà gửi về quê thì cứ chuyển tiếp qua cho họ hàng hay hàng xóm. Có thể là cho ông Tư ở kế bên nhà, người đã nhất quyết để dành con gà mập nhất cho thằng Út mang lên Sài Gòn. Hoặc có thể là cho bà Sáu ở mảnh vườn đối diện, người luôn để dành những trái bưởi ngon nhất để gửi lên cho con Chín, vì “nó khoái”…
“Để dành” nghe sao mà thương quá. Những người nhà quê luôn muốn để dành những gì tốt nhất cho con cháu, dẫu chúng ta đã đi xa. Ai từng là sinh viên hay người lao động miền quê nhập khẩu Sài Thành chắc đã từng đón nhận những món quà quê được chọn lựa tỉ mỉ, được gói ghém cẩn thận (vì sợ tới tay người nhận đồ sẽ mất ngon), từ ký gạo thơm nhất, con gà đi bộ khỏe nhất, hay hũ mắm tự ủ chi li chọn từng con tép.
Những người nhà quê đó sống với nhau không tính toán. Như tới dịp đám giỗ hay cưới hỏi mà ao nhà cạn queo, chưa kịp mở miệng thì người từ bên kia hàng rào đã lên tiếng mời: “Qua ao nhà tui mà tát cá”. Họ cho đi chẳng cần đền đáp, thế nên thứ còn lại chính là thứ ân tình cần sự cư xử tử tế với nhau.
Hóa ra, quà gửi về quê và quà quê khác nhau nhiều lắm! Và nhiều khi, người nhà quê còn “chơi sang” hơn cả người quê ra phố đấy!