Những ai đang sống hay đang mưu sinh ở đất Sài Gòn thì chẳng xa lạ gì những quán nhậu đông đúc dọc các bờ kè kênh, sông. Từng nhóm bạn nhậu ngồi dưới những ánh đèn vàng vọt, và không bao giờ thiếu những tiếng nhạc, lúc xập xình, khi hồi da diết. Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi ở đó uống vài cốc bia tươi sau một ngày làm việc và ngắm nhìn dòng đời nhộn nhịp. Tiếng nhạc từ những chiếc “loa kẹo kéo” cứ lần lượt lướt qua chèo kéo khách mua từng thanh kẹo, từng tấm vé số hay vài hạt đậu phộng…
Nhưng hôm nay, có tiếng nhạc còn từ đằng xa đã khiến tôi chú ý. Nó là tiếng khảy của ghi ta chứ không phải điệu nhạc xập xình, văng vẳng cùng với nó là một giọng ca trầm ấm. Rồi tôi đã thấy tiếng ca đó được ngân lên từ một cái dáng đi khập khiễng cùng cây nạng gỗ. Trên tay ông chẳng có gì để bán với mua, có chăng là sự đổi trao giữa tiếng hát và lòng xót thương từ những ai mến mộ qua những tờ tiền mệnh giá lớn, nhỏ khác nhau. Vài tay nhậu đã ngà ngà say, như được khơi gợi niềm yêu thích âm nhạc, cũng cất giọng đệm thêm vào lời hát, gật gù đồng cảm với tác giả. Giữa sự nhộn nhịp của phố thị, có ai đó đã chìa tay chia sẻ với người đang ngân nga vài tờ bạc lẻ.
Chợt xuất hiện một khán thính giả cất lời yêu cầu: “Hát câu vọng cổ nghe chơi rồi tui cho tiền”. Thấy dáng ông già nghiêng nghiêng một bên chân, ổng lắc đầu bỏ đi mà dường như còn nghe vọng lời của một ả đàn bà đã say nghiêng ngả: “Nghèo mà chảnh!”. Tôi nhấp thêm ngụm bia. Tiếng ghi ta của ông già đang tiến dần đến chỗ tôi. Rồi làm như đã quen nhau từ lâu, tôi buông một câu theo tiếng đàn của ổng: “Tôi tiễn anh lên đường/Chiều hôm nay mưa nhiều lắm/Tôi thấy dáng anh buồn…”(*). Thấy vậy, không cần ai mời, ổng tự nhiên kéo ghế, bỏ cây nạng, ngồi phịch xuống chỗ tôi: “Coi bộ nghệ sĩ dữ hen. Ngồi một mình cũng ngộ hen! Hát một bài nha, tui đàn cậu hát…”. Bất chợt có bạn nhậu là nghệ sĩ cũng thấy thú vị.
Mà ngồi gần mới phát hiện ổng không già lắm, chỉ là nước da ngăm đen, quần áo lấm lem, mùi mồ hôi quện mùi thuốc lá nồng nặc. Khui cho ổng chai bia, ổng bắt đầu đàn hát, chất giọng ngọt ngào và chất nghệ sĩ tràn ra… Tôi chợt nghĩ ông này mà thay đổi ngoại hình một chút thì cũng sáng láng, đẹp trai, chẳng kém ai! Ổng kể: “Cái chân này nè, bị tai nạn. Hồi đó nghĩ ở nhà bó thuốc thì từ từ cũng hết nên không đi bệnh viện, sợ tốn tiền. Mà thiệt ra là không có đủ tiền. Tui nghỉ hát, chịu đau cho đến khi nó hoại tử mới lấy tiền dành dụm cưới vợ, mượn thêm của anh em trong đoàn hát, đem cho người ta cắt bỏ. Cắt cái chân là coi như cắt luôn đường lên sân khấu. Hồi đó tui vào vai Điệp trong đoàn cải lương ở Cái Bè. Tui cũng có cô Lan ở ngoài đời, nhưng rồi cái chân như vầy, tui đi theo người ta không có kịp…”.
Nghe chừng có một khoảng lặng nào đó để ổng nhớ về cô Lan của ổng. Một lúc lâu, ổng tiếp: “Mà nghệ sĩ tụi tui không phải chảnh đâu. Hát ở đâu cũng được miễn là có người nghe. Nhưng chắc tui không hát ở đây nữa, người ở đây kỳ quá!”. Rồi ổng đi khi vừa uống hết chai bia. Ổng rời đi cũng nhanh như lúc ổng đến.
Ừ, tôi cũng thấy ả say kia kỳ thiệt! Mà ổng cũng kỳ! Ổng ngồi nói một hơi, tôi chưa kịp nói gì thì ổng đã bỏ tôi ngồi lại giữa đám người ồn ào, mang cảm giác lạc vào giữa khoảng không mênh mông, nghe đâu đó có tình người nghệ sĩ vọng lại: “Người nói đi như tim người nghĩ/Làm nghề xướng ca tôi mang tội gì/Họa là có chăng tôi mang tội đời/Làm cho nhân thế say mê…”(**).
– Hạ Vũ –
(*) Lời trong bài hát Một người đi của Mai Châu
(**) Lời trong bài hát Phận tơ tằm của Minh Kỳ – Hồ Tịnh Tâm